Nhập cung Tống Chương Hiến Minh Túc Hoàng hậu

Phong Tần tấn Phi

Năm Chí Đạo thứ 3 (997), Tống Thái Tông băng hà, Triệu Hằng kế vị, tức Tống Chân Tông. Ông lập Kế phối Quách thị làm Hoàng hậu, nhưng vẫn không quên Lưu thị mà cho đón bà vào hậu cung. Năm Cảnh Đức nguyên niên (1004), Chân Tông phong Lưu thị làm Mỹ nhân, hàm Chính tứ phẩm.

Tuy lúc này Lưu thị đã 36 tuổi, nhưng ôn nhu chừng mực, cử chỉ tao nhã, rất được Chân Tông yêu quý, chuyên sủng trong cung. Đến đây, Lưu Mỹ nhân dần nghĩ đến thân thế và chỗ dựa trong cung, bèn thưa đưa biểu ca Cung Mỹ ra làm quan, đổi họ thành Lưu Mỹ (劉美), giữ hương hỏa cho dòng họ Lưu gia. Lưu Mỹ đổi họ, nhận tước quan, làm việc hết sức hệ trọng, tránh bị nói là quyền thần ngoại thích, dần tạo danh thế cho họ ngoại Lưu Mỹ nhân.

Năm Cảnh Đức thứ 4 (1007), Quách Hoàng hậu sau cái chết của con trai là Triệu Hựu, đau buồn quá độ mà sinh bệnh qua đời. Trong triều bàn luận về việc kế vị ngôi Hoàng hậu, các đại thần kiến nghị lập Thẩm Tài nhân (沈才人), cháu gái Tể tướng Thẩm Luân (沈伦), trong khi đó Tống Chân Tông muốn lập Lưu Mỹ nhân làm Hoàng hậu. Quần thần cho rằng Lưu Mỹ nhân không con cái, xuất thân lại hàn vi, không thích hợp với ngôi vị Hoàng hậu, Chân Tông nhiều lần suy tính, tạm thời không bàn việc lập Hoàng hậu nữa[4][5].

Lúc đó, Cung nữ Lý thị hầu cận Lưu Mỹ nhân gặp được mộng tiên nhân, báo rằng sẽ sinh long thai kỳ tử. Tống Chân Tông cùng Lưu Mỹ nhân bèn nghĩ ra kế sách ["Tá phúc sinh tử"; 借腹生子], muốn mượn cái bụng của Lý thị sinh ra con quý tử cho Lưu Mỹ nhân có cớ thuận lợi lên làm Hoàng hậu. Đầu tiên thì Chân Tông vời Lý thị vào hầu một đêm, sau một đêm quả nhiên có thai, ông ban cho Lý thị một cây trâm bằng ngọc để thưởng nhưng kiêng dè thị tẩm lần nữa. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 3 (1010), ngày 14 tháng 4 (tức ngày 12 tháng 5 dương lịch), Lý thị sinh ra một Hoàng tử, đặt tên là Triệu Thụ Ích (赵受益), nhưng Tống Chân Tông tuyên bố là do Lưu Mỹ nhân sinh ra[6]. Vì công lao sinh ra Hoàng tử, Chân Tông liền phong Lưu thị làm Tu nghi (脩儀), hàm Chính nhị phẩm và Lý thị được phong Sùng Dương huyện quân (崇阳县君). Lúc này, Lưu Tu nghi một mình không nuôi dạy ổn thỏa Hoàng tử, bèn cùng Dương Tiệp dư chăm sóc. Dương thị vốn là một phi tần vị Tài nhân, vô sủng vô gia thế, nhưng sau tình cảm tốt với Lưu Tu nghi, cộng thêm việc rất biết cách chăm sóc Hoàng tử nên khiến Chân Tông có cảm tình, thăng dần lên Tiệp dư, cùng phụ dưỡng Hoàng tử[7].

Lập làm Hoàng hậu

Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 (1012), mùa xuân, Tống Chân Tông phong Lưu Tu nghi làm Đức phi (德妃), hàm Chính nhất phẩm. Tháng 12 năm đó, Tống Chân Tông tuyên cáo thiên hạ, lập Lưu Đức phi làm Hoàng hậu, lúc này bà đã 44 tuổi. Hàn Lâm học sĩ Dương Ức (楊億) là một trong những đại thần có hiềm khích với Lưu Đức phi nhất, nhìn thấy không còn ai có thể phản đối bà làm Hậu, bèn phẫn uất cự tuyệt thảo chiếu thư sách lập, Chân Tông phải tìm người khác viết thay[8][9].

Lưu Hoàng hậu thông minh tuyệt thế, thông hiểu cổ kim, đối với chính trị, xử lý tấu chương đều biết rõ. Tống Chân Tông yêu mến tài hoa, thường cho Lưu Hoàng hậu hầu việc phê duyệt tấu chương, tương trợ biện pháp[10][11]. Trong triều, không ít đại thần phản đối việc Lưu Hoàng hậu can dự triều chính, đặc biệt là Khấu Chuẩn (寇准) và Lý Địch (李迪) đứng đầu phe chống lại Lưu Hoàng hậu. Lưu Hoàng hậu dựa vào Tiền Duy Viễn (钱惟演) và Đinh Vị (丁谓) để làm cánh tay đắc lực truất đi quyền hành của họ Khấu và họ Lý. Bà cho con gái của Duy Viễn làm vợ Lưu Mỹ, và con trai của Đinh Vị lấy con gái của Duy Viễn.

Năm Thiên Hi thứ 3 (1019), Tống Chân Tông bệnh thấp khớp, không thể lên triều, đại bộ phận chính sự lúc này đều do Lưu hậu xử lý. Tống Chân Tông trước có xem bói toán, thấy được phán [Nữ chủ xương; 女主昌], ý là "Đàn bà làm chủ đang ngày thịnh", trong thâm tâm bèn rất lo lắng[12]. Dù thương yêu Lưu hậu, nhưng Chân Tông cũng lo giang sơn họ Triệu có thể bị hủy hoại bởi đàn bà, do vậy bèn bí mật lộ tâm ý với Nhập nội Đô tri Chu Hoài Chính (周懷政), biểu thị lo sợ Lưu hậu can chính, muốn để Thái tử giám quốc[13]. Tể tướng Khấu Chuẩn biết được, bèn vào cung cùng Chân Tông ngày đêm bàn chuyện để Thái tử giám quốc thay thế dần thế lực của Lưu hậu. Việc bàn định này rất bí mật, dù Lưu hậu hay ở bên cạnh cũng không hề biết được. Khấu Chuẩn sau đó đến tìm Dương Ức, soạn thảo chiếu thư lập "Thái tử giám quốc", nhưng sự tình bị bại lộ, Chân Tông không còn cách nào khác bèn đổ hết mọi việc lên đầu Khấu Chuẩn, và dưới áp lực của Lưu hậu cùng Đinh Vị mà khiến Chuẩn bị cách chức Tể tướng, thay bằng Đinh Vị[14].

Khi ấy, Nhập nội Đô tri Chu Hoài Chính cũng là một người tham dự sự kiện thảo chiếu thư Giám quốc, nên đối với sự kiện Đinh Vị làm tể tướng cũng rất không thoải mái. Ông bèn bàn với Khấu Chuẩn đưa binh giết Đinh Vị, bắt giam Lưu Hoàng hậu, Chân Tông thiện vị cho Thái tử[15]. Trước một đêm binh biến, thủ hạ của Khấu Chuẩn làm tay trong cho phê Lưu hậu, bèn bí mật báo cáo cho quan Thiêm thư Xu mật viện là Tào Lợi Dụng (曹利用), ngay sau đó Tào Lợi Dụng tiến cung mật cáo Lưu hậu[13]. Sáng sớm hôm sau, Lưu hậu giao Tào Lợi Dụng xét tội Chu Hoài Chính, bắt đem giết ngay, Đinh Vị tố cáo Khấu Chuẩn “Giả tạo thiên thư”, một đòn quyết tiệt cho Khấu Chuẩn cùng đảng phái bị diệt. Một người trong đảng của Khấu Chuẩn là Chu Năng (朱能), biết Khấu đảng đã tan rã, bèn không chịu chết khởi binh, sau binh bại tự sát[16].

Cũng thuận theo việc này, Chân Tông ban chiếu cho Thái tử mở Tư Thiện đường (資善堂), dẫn bá quan tiến hành thảo luận chính sự, Lưu hậu trở lại hậu cung giải quyết nội chính, không còn công khai can thiệp quốc chính nữa cho đến khi Chân Tông qua đời[17]. Còn về Khấu Chuẩn, ông bị Lưu hậu biếm đi Tương Châu (相州; nay là An Dương, tỉnh Hồ Nam), lại sang An Châu (安州; nay là An Lục, tỉnh Hồ Bắc) rồi lên Đạo Châu (道州; nay là huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam). Tống Chân Tông đối với Khấu Chuẩn bị biếm cũng không để tâm đến, một dạo có hỏi vì sao dạo này không thấy Khấu Chuẩn, tả hữu không ai dám trả lời[13][18].

Bệnh tình Chân Tông ngày càng nặng, Thái tử tuy có danh nghĩa chấp chưởng Tư Thiện đường, nhưng dần cũng bị Lưu hậu ảnh hưởng, quần thần đều rất lo lắng. Đại thần Vương Tăng (王曾) từng lặng lẽ nói với ngoại thích Tiền Duy Viễn rằng: "Thái tử nhỏ tuổi, không do Hoàng hậu chấp chính thì không thể lập nên pháp độ. Gia ân Thái tử, thì sẽ khiến Thái tử an định, mà họ Lưu cũng được an định". Duy Viễn cảm thấy lời nói hữu ích, bèn tấu lên Lưu hậu[19].